Thứ Năm, 29 tháng 11, 2018

Tiếng Xưa


Nhạc Sĩ: Dương Thiệu Tước
Tiếng Hát: Tô Thị Thu Cúc
Thực Hiện: Nguyễn Thế Bình



Lá Úa Vườn Thu












Bao mùa lá rụng nhớ nhung ai
Hoang vắng vườn thu khẻ thở dài
Biền biệt người đi sầu phố cũ
Canh trường thao thức nét mờ phai

Tiếng sóng vỗ về ôm ấp biển
Em như sao lạc ở phương này
Âm thầm đếm tiếng thời gian nhịp
Cánh nhạn cô đơn bóng dáng gầy

Chờ nhau hoài cảm nắng chiều thu
 Còn đợi xa vời một lá thư
Trìu mến tư duy tình cách biệt
Chia ly đồng vọng khúc êm ru.

Thu chết hay Thu cũng mỏi mòn
Đêm về thao thức mảnh tình son
Lá bay theo gió chiều hoang vắng
Chiếc bóng sầu tư dạ héo hon

ĐT Minh Gang
11-18




Thứ Hai, 26 tháng 11, 2018

Trời Lạnh Ăn Bún Riêu



Trời lạnh ăn “bún riêu” ... nhớ lại những tô bún riêu ngày xưa!

Trên đường Võ Tánh cạnh xóm nhà tôi, gần chân cầu Bà Điều có quầy “Bún riêu Bà Cả” khá nổi tiếng trong xóm và các xóm lân cận. Mỗi buổi trưa, bà Cả dọn hàng trước cổng nhà ông Phán Nuôi là một nồi to đầy soup riêu cua với nhiều cà chua và dầu điều màu đỏ trông thật hấp dẫn! Gian hàng của bà là một cái bàn thấp, 4 hay 5 cái ghế gỗ trước bàn cho khách hàng ngồi, trên bàn được bày một thau rau muống chẻ, chanh, ớt, hành, ngò gai và hủ mắm tôm! Mùi bún riêu thơm phức không cầm lòng được một số nữ sinh của các trường trung học ở Vĩnh Long ! Các bạn tôi gồm Thu Nguyệt, Hồng Oanh, Xuân Hồng, tôi và một vài người bạn cũng không ngoại lệ. Thỉnh thoảng chúng tôi rủ nhau ghé lại “ủng hộ” bún riêu của bà.  Bà Cả là người Bắc di cư 54 nên món bún riêu của bà nấu theo kiểu truyền thống, không giống như bún riêu ngày nay là cho thêm giò heo, huyết heo, đậu hủ, …. tùy theo chế biến của người địa phương.

Nhớ lại năm 1972 tôi cùng gia đình đi Đà Lạt thăm một người chị và các cháu, gia đình chị ở chung nhà với bác sui gia! Sau những ngày chúng tôi đi tham quan thắng cảnh, bác sui gia và chị nấu một nồi bún riêu mời gia đình tôi, tuy là đang mùa hè nhưng trời lành lạnh được thưởng thức một tô bún riêu nóng, thơm ngon và cay! Thật tuyệt vời!!!

Tôi ngây thơ hỏi bác sui gia “Ở Đà lạt mình không có nhiều cua đồng như ở các tỉnh miền Tây thì làm sao bác nấu được riêu ?”.  Bác cho biết là bác dùng tôm khô ngâm nước cho mềm rồi bỏ vào cối băm nhuyển, sau đó cho riêu tôm vào tô hột vịt (hay hột gà) đánh tan, trộn đều rồi múc từng muồng nhẹ tay thả vào nồi soup đang sôi, riêu tôm quyện với hột vịt sẽ nổi lên! Nghe cách làm thật dễ dàng nhưng thời ấy tôi không có vô bếp nên không có cơ hội để làm thử nghiệm .

Năm 1980 gia đình tôi đến định cư ở một thị trấn nhỏ khá xa thành phố Toronto, thỉnh thoảng ông bà bảo trợ chở chúng tôi đi Toronto mua một ít thức ăn và gia vị trong các siêu thị Á Châu. Thời ấy, ở Chinatown chỉ toàn là đồ Tàu, chưa có hàng nhập từ Thailand nên chúng tôi thèm ăn bún riêu cũng không có nguyên liệu để nấu! Khoảng một năm sau thì gia đình tôi dời về Toronto sinh sống, thời gian khá lâu thành phố Toronto mới có vài ba siêu thị Vietnam. Hai chị em tôi thật vui khi thấy trên kệ tủ họ bày bán các hủ riêu cua và riêu tôm của Thái, có cả mắm tôm hiệu “Lee Kum Kee” được làm từ China. Tôi khá ngạc nhiên khi biết người Hoa ăn mắm tôm !!!

Thường vào mùa đông hai chị em tôi đi chợ mua nguyên liệu về nấu một nồi bún riêu cho cả nhà thưởng thức, cách nấu lúc ban đầu rất đơn giản, tôm khô nấu với nước soup và riêu cua của Thái! Sau nầy tôi thường làm theo cách nấu soup riêu của bác sui gia nhưng tôi cho thêm vào soup mộc heo trộn cọng hành băm, tiêu và nước mắm!

Tuy cách nấu của tôi không giống cách nấu truyền thống như bún riêu Bà Cả  nhưng ăn cũng khá ngon,  nhất là ăn bún riêu vào mùa lạnh!

Như Mai
24.11.2018