Thứ Bảy, 30 tháng 4, 2016

Một Chữ “Tình”


Gần hai tuần quanh quẩn trong nhà dưỡng bệnh, tôi miên man suy nghĩ về chuyện "Sinh lão bệnh tử" của một đời người và một chữ “Tình” ở trên thế gian nầy!  Buồn càng thêm buồn khi hồi ức quay về những ngày tháng đầu tiên tôi rời gia đình, xa quê hương.

Sau khi tốt nghiệp lớp 12, tôi lên Saigon học, nhà trường dùng một khách sạn làm nội trú cho học sinh. Các ngày đầu bận bịu với sinh hoạt, nội quy và làm quen bạn mới từ Nam ra Bắc được gom tụ lại trong cùng khóa học. Tôi và các bạn dường như không có thời gian để nghĩ đến chuyện nhớ nhà.

Đến ngày thứ bảy của tuần thứ ba, tôi cùng bảy người bạn đạp xe rảo một vòng Saigon, sau đó ra chợ Bến Thành dạo quanh chợ trước khi được Thanh Hương (người Mỹ Tho) dẫn cả bọn đi ăn bún bò Huế. Quán bún bình dân, nằm trong một hẻm nhỏ của thành phố nhưng đông khách. Mặc dù trời nóng bức nhưng đứa nào cũng vừa hít hà và vừa húp soup xì xụp  vì hương vị thơm ngon và cay nồng.

Trở về trường thì trời đã tối, 9 giờ là chúng tôi tắt đèn, vào giường nằm nhưng vẫn chưa ngủ! Chợt có tiếng hát của Thị Hoa (người Thủ Đức) từ góc phòng vọng ra , chúng tôi im lặng và lắng nghe cô bạn đang thổn thức hát bài “Lòng Mẹ”.  Phòng tối, giọng hát buồn cộng thêm ca từ về tình mẹ gợi đến nỗi nhớ nhà trong từng ngăn tim của các cô bạn và tôi. Tiếng hát đã dứt, tuy hay nhưng không một ai vỗ tay.  Có lẽ cũng như tôi, các bạn quay mặt vô tường, rưng rức khóc vì nhớ nhà!

Sau một tháng, trường cho chúng tôi nghỉ ngày thứ Sáu để về thăm gia đình, chiều thứ Năm là chúng tôi chia tay, chỉ có chị Mừng là không về,vì nhà chị ở tận Hưng Yên! Trưa ngày Chúa Nhật các bạn trở về trường đông đủ, mỗi chúng tôi ngoài việc mang gạo và đồ ăn (để lén nấu trong phòng) thì mang theo đặc sản của quê mình để chia nhau cùng ăn.

Trong thời gian này, có  lẽ vì ăn bo bo nhiều hơn ăn cơm nên bệnh bao tử của tôi ngày càng nặng (vì hai năm trước đó má giao làm mức khóm để ăn trong ngày Tết, trưa nắng ngồi khượi xác khóm, bỏ nước thì uổng nên tôi cho đường và nước đá vào nước khóm. Không gì tuyệt vời bằng khi được uống một ly nước trái cây thơm ngon ngọt vào buổi trưa nóng bức! ). Các bạn học thay phiên chăm sóc và nhiều lần đưa tôi đi bệnh viện. Từ những chia sẻ và lo lắng cho nhau trong những ngày xa gia đình, tình bạn của chúng tôi ngày thêm thắm thiết, tôi thấy thật ấm lòng trong những ngày sống xa nhà . 

Học chưa hết năm thứ nhì thì chị Hai lên Saigon đón tôi, em và cháu gái về nhà và âm thầm rời Việt Nam.

*****



Hành trang trên mình để đi Rạch Giá theo ghe ra khơi là một ít thuốc nhức đầu, thuốc đau bao tử, thuốc say sóng, dầu cù là, kẹo gừng, bao nhỏ thịt chà bông, hai bộ đồ và một sợi dây chuyền đeo cổ. Buổi sáng, chúng tôi bốn người rời bến xe và được người một người đàn bà ra đón, bà đưa chúng tôi vào căn nhà lá xụp xệ trong hẻm nhỏ gần bờ biển. Đến gần chiều, có người khác đến đưa chúng tôi vào một căn nhà khá lớn. Chúng tôi được họ mời cơm với món thịt kho, canh chua cá nhám chấm với nước mắm nguyên chất, tôi chưa bao giờ được ăn nước mắm ngon như thế! Trong bửa cơm, ông bà chủ nhà trò chuyện với chúng tôi rất cởi mở, tôi rất vui và có nhiều ấn tượng tốt cho các người dân miền biển này!

Hơn nửa khuya, chúng tôi được cho biết là đến giờ xuống ghe, bà chủ nhà bảo là sẽ cho  từng người lần lượt rời nhà, vì để tránh tai mắt của người trong xóm nên hành lý và nữ trang trong người phải để lại, họ sẽ cho người mang xuống ghe sau. Nghe lời, tất cả chúng tôi đều để lại đồ của mình trừ anh tôi còn giữ lại được sợi dây chuyền trong túi quần.

Người từ ghe nhỏ lần lượt được đưa ra ghe lớn, già trẻ bé lớn là bốn mươi bảy người, chúng tôi âm thầm ra khơi! Được nửa ngày thì cả tất cả người trong ghe mới biết là không một ai nhận lại được đồ của mình từ các nhà họ tạm trú trong ngày! 

Ghe chạy được vài tiếng còn trong lảnh hải Việt Nam thì ông tài công kêu mọi người xuống ghe và lội vô một đảo nhỏ xung quanh là cây tràm, ông bảo chúng tôi tạm trốn ở đó vì công an biển đang lùng bắt người vượt biên. Hơn nửa ngày mà không thấy bóng dáng của chiếc ghe đâu, thủy triều dâng cao hơn nửa người, trong nhóm không mấy người biết bơi, ai cũng lo sợ bị chết khi nước dâng ngập khỏi đầu! Đến gần chiều thì ghe trở lại và đưa chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình ... vô bờ bến! Hai ngày lênh đênh trên biển, chúng tôi được phát một vắt cơm nguội và chia nhau thau  nước cho mỗi buổi ăn sáng và chiều. 

Đến trưa ngày thứ ba, xa xa có một chiếc tàu dầu của Tây Đức, ông tài công lập tức quay hướng ghe và tiến thẳng về tàu! Thuyền trưởng kêu tàu dầu ngừng lại để ghe chúng tôi tiến lại gần cho được an toàn. Ông đầu bếp người Singapore làm thông dịch cho chúng tôi khi biết trên ghe có vài người Hoa. Ông giới thiệu, ông tên là Yan, ông cho biết thuyền trưởng nói rầng nếu máy của ghe còn tốt thì họ sẽ cho thêm dầu để ghe tiếp tục cuộc hành trình, nhưng nếu máy hư thì họ sẽ cho tất cả mọi người lên tàu dầu và ông sẽ liên lạc với Cao Ủy ở Thailand cho phép chúng tôi vào bờ. Riêng ông đầu bếp đề nghị (nói nhỏ) với chúng tôi là nên phá máy cho hư để được ông thuyền trưởng cứu lên tàu lớn, vì cướp biển đang lộng hành quanh vùng nên ông không biết người trên tàu sẽ sống chết ra sao trong các ngày tới!

Nghe lời, ông tài công khéo léo phá máy trước khi thợ máy trên tàu xuống kiểm soát, sau vài phút thợ máy xem xét kỹ lưỡng, ông cho biết là ghe không thể tiếp tục chạy được nữa! Thế rồi, chúng tôi được thuyền trưởng cho phép lên tàu lớn, được cho tắm rửa và ăn uống tử tế!

Sau ba ngày chờ đợi tin của Cao Ủy, chúng tôi được chấp nhận cho chuyển vào trại Songkhla – Thailand! Tôi nhớ mãi Yan, người đầu bếp Singapore đã nấu cho chúng tôi những bửa cơm ngon và buổi ăn sáng là món cháo cá bắt được gần dàn khoan dầu. Ngoài ra, ông bảo chúng tôi viết thư thông báo cho gia đình bên nhà biết tin bình an, khi lên bờ ông sẽ gởi thơ dùm.

Cám ơn Yan, cám ơn thuyền trưởng và các thủy thủ trên tàu đã cho tôi một “Tình người” vô giá!

*****



Đến trại tỵ nạn Songkhla, tôi thấy đông đảo người Việt đứng bên trong rào, xôn xao và nhìn ra ngoài cửa để tìm người thân hay bạn trong số người chúng tôi. Tuy biết  rằng không phải họ đón chào đón mình nhưng lòng tôi rất vui vì mình đến nơi bình an và có nhiều người đồng hương! 

May mắn, em tôi gặp được anh Thương, bạn học chung trường Đại Học ở Saigon, anh và vài người bạn ân cần mời anh em chúng tôi về ở chung lều với các anh vì các anh cũng sắp đi định cư. Trước khi theo các anh về lều, chúng tôi gặp được Nga và Hiệp cùng quê.  Nga học chung trường trung học với tôi, ba của Nga ngày xưa là một sĩ quan trong trại lính Công Binh gần nhà. Tuy trước đây học chung trường, nhưng chưa bao giờ Nga và tôi nói chuyện, bây giờ gặp lại nhau tay bắt mặt mừng! Sau đó Nga cho hai chị em quần áo lót, một ít đồ dùng và hướng dẫn nhà tắm, nhà vệ sinh trong trại. Vài ngày sau là vợ chồng Nga rời trại đi Canada.

Trong thời gian anh em tôi ở chung lều với các anh , chúng tôi thật vui! Hai chị em học làm cá, thổi lửa và nấu cơm từ anh Trung và anh Tín, các anh chỉ một ít tiếng Thái và cách xài tiền để đi chợ. Mỗi chiều cơm nước xong, anh Phương hay ngồi trước lều hát lại các bài nhạc xưa, anh hát hay nhất là bài “Bên Cầu Biên Giới”.

Đêm 30 Tết thật ảm đạm, nằm trong mùng nghe Duy Khánh hát “Xuân Này Con Không Về” được phát ra từ đài phát thanh của trại. Từng lời nhạc gợi cho tôi nỗi buồn xa xứ, nỗi nhớ  thương và lo lắng của má và sự cô đơn của má khi ăn Tết thiếu vắng ba đứa con. Tôi bật khóc nức nở!  

Tuy thời gian nầy cực khổ nhưng dường như nhiều người trong trại không ai lo nghĩ đến cái ăn, cái mặc vì có đã sự trợ giúp của Cao Ủy. Ngoài gạo, không cá mòi hộp thì cá biển tươi cũng lây lất sống tạm qua ngày. Lần lượt anh Thương, Trung, Tín, Phương, Long, Lan, Đức, Thiện.... cũng rời trại đi định cư ở Mỹ.  Mỗi lần đưa tiễn là một chầu cà phê tối ở một trong những quán nhỏ.  Bây giờ không biết các anh và các bạn sống ra sao. Hy vọng tất cả đều có cuộc sống tốt đẹp!

Một tháng sau, cháu tôi ở Canada nhận được thư do anh tôi nhờ ông Yan gửi trước đây. Cháu lập tức gởi cho chúng tôi 100 dollars. Mua sắm một ít đồ dùng cá nhân, em mua vài thước vải, khéo tay cắt và may từng mủi kim các bộ quần áo cho hai chị em. Tiền chi phí còn lại chút đỉnh, cộng với số tiền bán sợi dây chuyền , anh tôi sang lại một quầy cà phê nhỏ trong trại để xoay sở chờ đến ngày đi định cư.

Ba anh em thay phiên nhau ra quán bán từ sáng cho đến chiều. Tối đến, anh ôm chiếc chiếu ra quán ngủ để coi chừng bàn ghế và đồ. Đêm nghe tiếng sóng vỗ rì rào nhưng càng về khuuya thì gió biển càng lạnh, một lần hai chị tôi nhìn thấy được cảnh anh cuộn tròn trong chiếc chiếu nằm ngủ trên một tấm ván trước quầy, hai chị em thật đau lòng khi nhìn thấy anh say giấc vì mệt mỏi. Mỗi khi nghỉ đến thì thấy thương anh mình nhiều hơn!

*****

Vào một buổi sáng, đang đứng pha cà phê ở quán, bỗng dưng tôi bị ngã quỵ, bụng đau như cắt, hoàn toàn mất hết sức lực! Tôi được anh và vài người quen dìu về lều để nghĩ ngơi, nhưng bụng càng lúc càng đau, tôi không còn chịu đựng được cơn đau  nữa! Biết là bệnh bao tử lúc trước nay trở nặng, em tôi nhờ người quen cùng đưa tôi đến trạm y tế của trại, sau khi bác sĩ người Pháp khám bệnh, ông lập tức chuyền nước biển cho tôi để giảm đau và cho thêm một chai để dùng khi chai kia hết vào buổi tối. Ông bảo chúng tôi chờ đến sáng hôm sau để biết sự quyết định của Cao Ủy về chi phi cho tôi vào bệnh viện điều trị .

Hơn nửa khuya, chai nước biển đã cạn, em tôi nhờ bác sĩ trực người Việt chuyền tiếp chai thứ hai cho tôi . Sáng hôm sau, hòan tất thủ tục tạm xuất trại, tôi được bác sĩ đưa tôi vào một bệnh viện lớn ở Songkhla. Tôi tỉnh dậy sau gần hai ngày trời nằm mê mang từ cuộc giải phẩu lớn. Nhìn xung quanh không một bóng người thân, toàn thân là dây nhợ, tôi mơ hồ nhớ lại chuyện xảy ra trong các ngày qua, chợt dòng nước mắt buồn tủi chảy dài trên má! Thêm là nỗi lo lắng không biết là anh và em đã đi định cư chưa, bác sĩ có bỏ quên mình không! Gần một tháng sau tôi mới được bác sĩ đến bệnh viện rước đưa về trại. 

Nhớ nhất là thời gian nầy, tôi không được ăn uống, sống và hồi phục sức khỏe bằng nước biển và thuốc. Khi được xuống giường để đi lại quanh quẩng trong phòng tôi nhờ sự trợ giúp của các cô thiện nguyện viên. Nhớ đến thân nhân của người bệnh chung phòng, người thì cho cam nhưng tôi không ăn được, người kia thì đến lau mặt, lau tay cho tôi và thoa phấn thơm (dường như hiệu Johnson) trắng xóa cả mặt giống như con của họ. Bây giờ nghĩ lại, tôi thật  cảm động. 

Một điều làm tôi không ngăn được tiếng cười thầm mỗi khi nhớ đến là con đường nhỏ bên hong nhà thương, nơi có nhiều quán ăn, sáng trưa chiều tối đều đông nghẹt khách làm tôi nhớ nhiều về Sai gòn!  Từ của sổ phòng bệnh tôi hay nhìn xuống xem cảnh người xe qua lại trên đường và hàng quán tấp nập khách ăn uống. Tôi nhớ nhất là mùi thịt xiêng nướng thơm phức bay khắp vùng làm tôi không ngăn được sự thèm thuồng và mơ ước được ăn một ghim. 

*****

Bây giờ, ngồi nhớ lại câu nói của má trong đêm tiễn đưa "Má không biết quyết định cho con đi là việc đúng hay là sai?". Tôi không trả lời, chỉ biết nhìn người mà khóc!

Ba anh em tôi bước lên chiếc xe lôi của ông Ba Thông, đôi chân rắn chắc nổi gân của ông chậm chạp đạp chiếc xe qua cầu, âm thầm đưa chúng tôi đến bến xe đi Rạch Giá.  Xe lăn bánh xa dần, xa dần... nhưng bóng má vẫn còn đứng bên kia cầu dõi mắt nhìn theo, nước mắt của hai chị em tôi  không ngừng rơi.

Vâng, quyết định của má là đúng, rất đúng má ạ! Bốn cây vàng đã cứu lại mạng sống của con trong chuyến đi nầy và cho con nhiều bài học quý giá, nhất là trắng đen tình người.

Con cám ơn má, cám ơn anh trai và cô em út cùng chia sẻ trong những tháng ngày khổ cực từ đó đến nay, cám ơn những người bạn tốt và cám ơn đời cho tôi nếm được những cay đắng, ngọt bùi của chữ "Tình"!

Yên Dạ Thảo
15/05/2014