Thứ Năm, 3 tháng 9, 2020

Cơm Tấm Bì


Cơm tấm bì là món ăn được nhiều người ưa chuộng, tôi cũng không ngoại lệ! Mỗi lần làm món nầy gợi tôi nhớ nhiều về kỷ niệm nơi xóm nhỏ ngày xưa.
 
Không biết từ bao giờ, trong xóm tôi (gần cầu Cái Cá) có quầy cơm tấm của bà Bảy Ưng. Ông bà Bảy có một gái và năm trai. Chị Bé Hai theo chồng nên ông bà sống với các con trai. Ngoài việc chăm sóc cho gia đình thì bà Bảy bán cơm tấm bì vào mỗi buổi sáng.
 
Trước 6 giờ sáng thì ông Bảy giúp bà dọn hàng rồi ông mới đi làm, quày hàng là một cái bàn thấp và vài cái ghế nhỏ được đặt trước một góc sân của tiệm may Mỹ Nghệ. Trên bàn là một thau thịt bì, một tô mỡ hành, keo nước mắm trong, keo ớt băm với tỏi, dưa chua, bên cạnh bàn là nồi cơm tấm khá lớn được nấu với lá dứa nên bốc mùi thơm phức.
 
Theo tôi được biết người làm món cơm bì khéo là thịt heo ram (hay thịt chiên) phải xắt nhỏ sợi nhưng không bị nát. Riêng bà Bảy thì thịt xắt không nhỏ lắm nên dĩa cơm tấm bì trông hấp dẫn hơn dĩa cơm mà nhiều quán ăn cho da bì nhiều hơn thịt. Khách hàng của bà là một số người trong xóm và khách từ quán cà phê của gia đình tôi đến uống cà phê và sẳn tiện ăn sáng luôn .
 
Sau khi bà Bảy qua đời thì xóm tôi không ai bán cơm tấm cả! Vài năm sau thì có quán cơm tấm của bà Tám Quyên cạnh xóm tôi, gần trường Nguyễn Trường Tộ. Ngoài cơm tấm bì thì khách có thể yêu cầu bà cho thêm chả thịt chưng với hột vịt hoặc vài miếng thịt heo chiên nhưng phải thêm tiền. Tôi không nhớ quán cơm của bà bán được bao lâu sau khi tôi rời Vĩnh Long.
 
Nhớ lại thời gian đẩu gia đình chúng tôi ở hải ngoại, mỗi lần muốn ăn cơm tấm bì là tự mình chế biến. Không có gạo tấm thì ngâm gạo rồi dùng tay bóp nhẹ cho hạt gạo bể đôi, tự làm da bì và thính rang, ram thịt, xắt sợi trước khi trộn chung các nguyên liệu. Món cơm tấm bì của tôi tuy không có thịt nướng và thịt chưng với hột vịt nhưng thành phẩm thơm ngon không kém gì cơm tấm bì được ăn do má tôi nấu trước đây.
 
Nhớ lại năm 2013 tôi cùng hai chị và ba đứa cháu đi Qui Nhơn viếng thăm gia đình chồng của tôi. Sau khi dạo sơ qua thành phố Qui Nhơn, chúng tôi ghé quán cơm tấm trong phố. Đứa cháu chồng cho biết là quán nầy thường ngày rất đông khách. Tuy bảng hiệu để là “Quán Cơm Tấm” nhưng lại là nhà lầu ba tầng, khá khang trang, nhìn rất ấn tượng!
 
Chúng tôi mười hai người đều gọi món cơm tấm, vừa mệt và đói bụng ngồi chờ cơm mang ra để thưởng thức! Sau khi họ mang dĩa cơm cho tôi và đứa cháu gái (con gái của cô em theo tôi từ Canada về Việt Nam trong chuyến nầy), hai dì cháu nhìn dĩa cơm đầy sự thất vọng, tôi quay sang hỏi chị của tôi:
 
- Sao cơm tấm bì toàn là da bì trộn với thính và tỏi, em không thấy thịt?
 
Chị cười và trả lời:
 
- Vì thế người ta mới gọi là cơm tấm “BÌ”!...
 
Tuần sau chúng tôi về lại Vĩnh long, hai dì cháu tôi được chị dẫn đi ăn cơm tấm gần trường TPH, chị cho tôi biết là quán nầy cũng khá có tiếng ở đây, khi dĩa cơm dọn ra thì hai dì cháu tôi nhìn nhau với cùng chung một tâm trạng là... thất vọng! Cũng là dĩa cơm tấm với da bì và "rất" ít thịt.

Trong chuyến về thăm gia đình năm 2017, tôi và chị đi ăn tại cơm tấm bình dân ở bên chân Cầu Cái Cá, quán đối diện với cổng công viên Sông Tiền, quán chỉ bán vào buổi chiều. Tuy là quán cơm bình dân nhưng dĩa cơm có nhiều thịt, ít da bì, 1 miếng thịt nướng, và chả chưng với hột vịt bắc thảo, bà chủ cho thêm 1 chén soup củ cải trắng hầm với ít xương heo! Lần nầy tôi thật ưng ý với dĩa cơm tấm của mình!
 
Tôi không biết sau trận dịch cúm heo trong năm vừa qua, lần tôi về kỳ tới quán cơm nầy còn bán hay không. Hy vọng quán vẫn còn, khi có dịp tôi sẽ ghé lại tìm hương vị cũ của món ăn mà mình ưa thích!
 
Như Mai
09.02.2020