Thứ Tư, 30 tháng 9, 2015

Kỷ Niệm Một Chuyến Đi





Hai tuần vacation qua nhanh, thời gian tuy ngắn ngủi nhưng cho tôi nhiều kỷ niệm vui và đầy lưu luyến khi rời Việt Nam trở về Canada vào sáng ngày 23 tháng 9!

Hơn 17 tiếng ngồi trên máy bay từ VN đến Taipei và từ Taipei đến Toronto tôi thật mệt mỏi, không tài nào ngủ được, mắt nhắm nghiền nhưng trong đầu miên mang nhớ đến ngày gặp anh chị trong buổi cơm trưa thân mật tại nhà hàng Thiên Tân, buổi bánh xèo và cà phê tại Long Hồ trong ngày kế tiếp do các anh chị thiết đãi, bánh xèo là món ăn quê hương mà  tôi thích nhất nên tôi và đôi đủa luôn bận bịu với cái bánh xèo thật to và thơm phức,  nhưng không quên lắng nghe các anh chị nói chuyện và vui cười.






Tôi nhớ đến giọng ngâm ngọt ngào của chị Thy Cúc trong tiệc bánh xèo, bài thơ Tiếng Thời Gian của tôi 5 khổ cộng thêm bài thơ Theo Tiếng Thời Gian của nhà thơ Phong Tâm 5 khổ, tổng cộng là 40 câu mà chị nhớ và ngâm làm cho tôi đầy thán phục. Tuy mới quen chị Thy Cúc nhưng  tôi và chị cảm thấy mình thật thân thiết. Tôi lại nhớ đến chị Ngọc Hải và anh Ngọc Hiệp hai nhà thơ ở Vĩnh Long, chị gởi cho tôi 3 trái sa kê, lần đầu tiên tôi được ăn sa kê, nhất là món cà ri vịt nấu với sa kê được chị của tôi nấu rất thơm ngon.

Tôi lại nhớ đến ngày sinh nhật của chị Phi Rom được tổ chức tại nhà chị Lưu Phương , buổi tiệc nhỏ nhưng thật vui làm tôi rất ấm lòng qua sự tiếp đón nồng hậu của chị Lưu Phương và Hải Đường. Tuy mới gặp Hải Đường lần đầu nhưng cho tôi nhiều thiện cảm về cô bạn thơ dễ thương và trẻ nhất của trang TPHVL. Nhớ lại thật vui khi mọi người thay phiên nhau chụp hình chân dung do kỷ thuật khéo léo của Quốc Việt.

Nhớ đến buổi cà phê tối Chúa Nhật với chị Thu Nguyệt, bửa cơm trưa Đồng Khánh với chị Hoành Châu, anh Phú Thạnh và chị Thy Cúc, ly trà chanh dây và bánh trung thu tại nhà chị Hoành Châu trước ngày tôi từ giã để trở về Canada. Cuối cùng là buổi cà phê với anh Công Tạo (Như Không), khi ra về tôi được anh gởi tặng cuốn truyện ngắn “Tình Người” của Thích Nhất Hạnh, truyện của tác giả khi còn là một chú tiểu trong chùa. Tôi đọc xong quyển sách trên chuyến bay, các câu truyện ngắn nhưng làm cho tôi thấy nhẹ nhàng trong tình người và tâm tư thật bình yên trong cõi Phật.

Tôi cũng không quên sự tiếp đãi nồng hậu của thầy Chương (dạy môn Anh Văn), cô Xuân Phúc (dạy Pháp Văn) và Yên Chi, cô con gái út của thầy cô. Tôi được cô mời ăn món Bún Xáo, bánh trung thu, món thạch dừa tráng miệng thơm ngon qua bàn tay khéo của Yên Chi và món quà đặc biệt thật đẹp!Lần nữa em cám ơn thầy cô và Yên Chi.

Cuối cùng là các bạn học chung lớp Thu Nguyệt, Duy Nhất, Mai Ngân và Thế Hùng, trong những buổi cà phê tối, các buổi ăn sáng và nhớ nhất là đêm Karaoke tại M2M đường Phạm Thái Bường sau buổi đi biển Thạnh Phú, nhớ giọng hát ngọt ngào của Thu Nguyệt trong các bài nhạc quê hương, Mai Ngân, chị Thy Cúc, Khánh Phượng  trong các bài nhạc tiền chiến và giọng ca nam trầm ấm của Thế Hùng.

Yên Dạ Thảo xin chân thành cám ơn các anh chị và các bạn đã cho YDT nhiều niềm vui và kỷ niệm ấm lòng để mang về xứ lạnh, cám ơn anh Phong Tâm gởi cho gia đình em vài ký “bòn bon” thơm ngọt từ vườn nhà Cái Mơn. Cám ơn anh Hồng Băng gởi tặng em các tập thơ, cám ơn bao hột điều và mủ trôm từ anh Phú Thạnh,  cám ơn anh Lương Minh cancel ngày du lịch, chị Phi Rom về Vĩnh Long từ Saigon để đến dự buổi cơm trưa thân mật.

Tôi cũng không quên ông tài xế xe ôm “bất đắc dĩ” sau ngày cúng giáp năm của vợ chồng chị Lan (giáo sư môn văn Nguyễn Ngọc Lan). Sau khi cúng xong thì hai chị em rời chùa,  ra đón xe ôm về nhà. Tôi hỏi chị làm sao mình biết người nào chạy xe Honda ôm, chị nói: “Nếu thấy trên xe có thêm cái non an toàn thì đó là xe ôm!” Khi vừa nói xong thì có 1 ông xe chạy gần tới, phía trước xe có treo 1 cái nón an toàn,  hai chị em tôi ngoắc lại nhưng ông đã chạy khỏi, sau vài giây thì ông quay lại. Tôi leo lên xe và nói: “Nhờ chú chở đến nhà gần tiệm vịt quay “A Tài” , chú hỏi ngược tôi: “Tiệm A Tài ở đâu?” tôi có hơi ngạc nhiên và nói: ” Đối diện với Karaoke M2M!”. Chú lại nói là “Tui không biết!”. Tôi nói thầm trong bụng chắc là ông nầy mới chạy xe ôm lần đầu nên không rành đường, tôi nói với ông: “Chú cứ chạy thắng khi gần đến tôi sẽ chỉ chú!”.

Suốt quảng đường tôi hỏi “Chú chạy xe mỗi ngày có nhiều khách không? Chạy có đủ sống không?” . Ông trả lời: “Tui đâu phải chạy xe ôm đâu!”, ngạc nhiên tôi hỏi: ” Vậy sao chú đã chạy lướt qua chúng tôi rồi sau đó quay lại ?” Ông trả lời: “Tôi đưa con gái đi học, trên đường về thấy hai chị em cô ngoắc, tôi không biết chuyện gì nên quay lại xem, rồi cô nhảy lên xe kêu tôi cho xe chạy, lở rồi nên chở cô luôn!” Tôi cười ngất, chắc có lẻ ông cũng cười trong bụng. Khi về đến mja` thì xe của chị tôi cũng vừa trờ tới, ông tính chị tôi 10, 000 đồng, chị kêu tôi trả cho ông “tài xế của tôi” cũng 10,000 đồng lúc đầu ông hơi ngần ngại, nhưng rồi ông cũng không từ chối! Vào trong nhà tôi kể lại cho chị nghe làm chị cười chảy nước mắt vì hai chị em bị hố. Tôi kể lại cho bạn học nghe, họ nói:”Chắc là hồi nào đến giờ tôi không đi chùa, bây giờ đi liên tiếp hai ngày đọc kinh nên bị tẩu hỏa nhập ma, nhìn xe người thường mà tưởng "xe ôm!” Tôi cười và nói: “Ừ, có lẽ là vậy!”

Yên Dạ Thảo xin chúc tất cả anh chị và Hải Đường được nhiều sức khỏe và niềm vui vô tận trong thơ văn.

Thân mến,

Yên Dạ Thảo
Tháng 9, 2015